GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT

Về tăng nặng trách nhiệm hình sự "phạm tội 2 lần trở lên"

Thứ Tư, 31/07/2019, 17:19 [GMT+7]
In bài này
.

Hỏi: Một người thực hiện nhiều lần cùng loại hành vi phạm tội xâm phạm sở hữu, mà trị giá tài sản của các lần phạm tội đã được cộng lại để xử lý trách nhiệm hình sự theo khung tăng nặng, thì họ có bị áp dụng thêm tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 2 lần trở lên” hay không?

(Lê Thị Mỹ, TP. Bà Rịa)

Trả lời: Trường hợp một người thực hiện nhiều lần cùng một loại hành vi phạm tội xâm phạm sở hữu (ví dụ: nhiều lần phạm tội trộm cắp tài sản), mà tổng trị giá tài sản của các lần phạm tội thỏa mãn dấu hiệu định khung tăng nặng, nếu các lần phạm tội đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) và chưa hết thời hiệu truy cứu TNHS, thì ngoài việc bị áp dụng khung hình phạt tương ứng với trị giá tài sản chiếm đoạt, họ còn bị áp dụng tình tiết tăng nặng TNHS “phạm tội 2 lần trở lên”. Đây là quy định tại điểm g, Khoản 1, Điều 52 Bộ luật Hình sự (số 01/VBHN-VPQH ngày 10/7/2017).

Việc áp dụng khung hình phạt tăng nặng trong trường hợp này là căn cứ vào trị giá tài sản chiếm đoạt, còn việc áp dụng tình tiết tăng nặng TNHS “phạm tội 2 lần trở lên” là căn cứ vào nhân thân và thái độ chấp hành pháp luật của người phạm tội, nên hoàn toàn không trái với quy định tại Khoản 2, Điều 52 Bộ luật Hình sự (các tình tiết đã được Bộ luật Hình sự quy định là dấu hiệu định tội, hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng). Hơn nữa, việc áp dụng pháp luật như trên còn bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc xử lý TNHS quy định tại Điều 3 Bộ luật Hình sự, bảo đảm sự phân hóa tội phạm, cá thể hóa trách nhiệm hình sự, đồng thời bảo đảm sự công bằng trong việc xem xét cho hưởng án treo, tha tù trước thời hạn có điều kiện cũng như các chế định nhân đạo khác đối với người phạm tội.

Ví dụ: Một người trộm cắp 2 lần, mỗi lần 2 triệu đồng. Do thuộc trường hợp “phạm tội 2 lần trở lên” quy định tại điểm g, Khoản 1, Điều 52 Bộ luật Hình sự nên theo quy định tại Điều 65 của Bộ luật Hình sự và hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thì họ không được hưởng án treo. Tuy nhiên, giả sử 2 lần trộm cắp đó có tổng trị giá tài sản là 50 triệu đồng, nếu Tòa án chỉ căn cứ vào trị giá tài sản để áp dụng tình tiết định khung “chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng”, mà không căn cứ vào nhân thân và thái độ chấp hành pháp luật của người phạm tội để áp dụng tình tiết “phạm tội 2 lần trở lên” thì họ vẫn có thể được hưởng án treo theo quy định tại Điều 65 của Bộ luật Hình sự. Việc áp dụng tình tiết định khung như vậy sẽ không bảo đảm nguyên tắc công bằng và phù hợp trong việc xử lý hành vi phạm tội.

Luật gia: THANH MAI

;
.