Huyện Châu Đức: Trẻ em xã Sơn Bình thiếu sân chơi

Thứ Tư, 06/03/2019, 15:19 [GMT+7]
In bài này
.

Từ khi thành lập năm 1999 đến nay, xã Sơn Bình (huyện Châu Đức) vẫn chưa có trung tâm văn hóa. Hàng ngày, trẻ em trên địa bàn chỉ biết tìm vui qua trò chơi đá bóng trên một bãi đất trống mà mùa mưa thì lầy lội, mùa nắng thì bụi mù. Một sân chơi lành mạnh, bổ ích cho trẻ em là niềm mong mỏi của các phụ huynh và chính quyền địa phương nhiều năm qua.  

Ông Phan Cự (thôn Tân Bình, xã Sơn Bình) bên một khung thành sân bóng bị hư hỏng.
Ông Phan Cự (thôn Tân Bình, xã Sơn Bình) bên một khung thành sân bóng bị hư hỏng.

TRẺ “KHÁT” SÂN CHƠI

Từ đường liên huyện Hòa Bình-Ngãi Giao-Phú Mỹ đi qua thôn Tân Bình, xã Sơn Bình, huyện Châu Đức, rẽ vào con đường đất hẹp chừng 200m, chúng tôi đến sân bóng đá. Xung quanh sân bóng, cỏ dại mọc đầy, mặt sân trơ trọi đất, bụi bay mù mịt mỗi khi có cơn gió lùa qua. Khung thành đã gỉ sét, cái thì đổ ngã. Ông Phan Cự, cán bộ hưu trí xã Sơn Bình cho biết, khu đất này rộng hơn 6 sào, do một hộ dân hiến tặng từ năm 1980 để làm sân vận động. “Do không có sân chơi nào khác nên bất kể trời mưa hay nắng, ngày nào trẻ em trong xã cũng ra đây đá bóng”, ông Cự nói. 

Em Trần Quang Huy (SN 2007), ở thôn Tân Bình cho biết, mỗi chiều sau giờ tan học, em thường cùng các bạn ra đây chơi bóng. “Mấy anh trong đội bóng đá của thôn hướng dẫn tụi em tập luyện. Nếu không đá bóng, tụi em cũng không có môn gì khác để chơi, vì cả xã chỉ có sân bóng này thôi”, Quang Huy chia sẻ. Chị Trần Thị Mỹ Quyền, mẹ Quang Huy tiếp lời: “Sau giờ học, nhất là mùa hè, con tôi và mấy đứa nhỏ trong thôn chỉ quanh quẩn bên nhà chơi bắn bi, đá bóng. Nếu không, chúng lại đi tắm sông, tắm hồ rất nguy hiểm, phụ huynh không an tâm. Mà sân bóng đá lại đầy cỏ dại, ngày nắng thì bụi mù, mưa thì sình lầy, tội lũ trẻ lắm. Chúng tôi mong có thêm nhiều sân chơi bổ ích cho các cháu”. 

Sân bóng ở thôn Tân Bình là một bãi đất trống - sân chơi hiếm hoi cho trẻ em xã Sơn Bình.
Bãi đất trống ở thôn Tân Bình là một  sân chơi hiếm hoi cho trẻ em xã Sơn Bình.

Anh Phạm Như Tâm (SN 1990, Đội trưởng đội bóng đá thôn Tân Bình) cho biết, phong trào bóng đá trên địa bàn rất phát triển, chỉ riêng thôn Tân Bình đã có 3 đội bóng, với gần 100 thành viên. Ngoài sân bóng này, từ năm 2018, một hộ dân trên địa bàn xã đã đầu tư sân bóng đá mini nhưng không thể đáp ứng nhu cầu cho cả ngàn thanh thiếu nhi trong toàn xã.

KÊU GỌI XÃ HỘI HÓA 

Sơn Bình là xã vùng xa của huyện Châu Đức. Đã 20 năm từ ngày thành lập đến nay, xã vẫn chưa có trung tâm văn hóa, thiếu sân chơi phục vụ nhu cầu tập luyện thể dục thể thao và giải trí, nâng cao dân trí của thanh thiếu niên và người dân trên địa bàn. Người dân đã nhiều lần kiến nghị lãnh đạo UBND xã Sơn Bình đầu tư chỉnh trang sân bóng nhưng chưa được giải quyết. “Phụ huynh và anh em chúng tôi sẵn sàng góp công sức, tiền của cùng chính quyền địa phương xây dựng sân vận động có tường bao, cổng, khung thành và trồng cỏ tạo mặt sân sạch, đẹp, đáp ứng nhu cầu tập luyện của thanh, thiếu niên”, anh Phạm Như Tâm bày tỏ.

Trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu về vấn đề này, ông Hồ Xuân Hợp, Chủ tịch UBND xã Sơn Bình cho biết, những năm qua, địa phương luôn quan tâm chăm lo, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho thanh, thiếu nhi trên địa bàn. Tuy nhiên, do nguồn lực có hạn, nên đến nay xã vẫn chưa đầu tư được khu vui chơi, giải trí, đáp ứng nhu cầu của các em. Riêng khu đất là sân bóng đá nói trên, từ cuối năm 2017, huyện đã thông qua quy hoạch làm trụ sở thôn Tân Bình kết hợp khu vui chơi thiếu nhi (diện tích sử dụng 2.000m2), phần diện tích còn lại sẽ làm sân bóng đá mini. “UBND xã đang tìm đối tác đầu tư xây dựng sân bóng theo hướng xã hội hóa. Ngoài ra, trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, UBND xã Sơn Bình đã đề xuất các cấp, các ngành quan tâm đầu tư xây dựng trung tâm văn hóa xã, phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân địa phương”, ông Hồ Xuân Hợp cho biết thêm.

Tuy nhiên, từ quy hoạch, dự án đến khi thành hiện thực vẫn còn khoảng cách xa. Thực trạng thiếu sân chơi cho trẻ em xã Sơn Bình đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương. Đó cũng là giải pháp hiệu quả để thanh thiếu nhi tránh xa những thói hư, tật xấu và tệ nạn xã hội; tích cực tham gia vào các phong trào, hoạt động lành mạnh ở địa phương.

Bài, ảnh: ĐINH HÙNG

 
;
.