Ứng dụng công nghệ vào hoạt động bảo tàng

Thứ Ba, 13/11/2018, 17:58 [GMT+7]
In bài này
.

Trên thế giới, việc ứng dụng công nghệ đã được thực hiện tại nhiều bảo tàng tại nhiều quốc gia. Công nghệ góp phần minh họa rõ hơn thông tin về các hiện vật được trưng bày, kích thích trí tò mò của người xem, từ đó hấp dẫn khách tham quan hơn.

Khách tham quan Bảo tàng Côn Đảo. Ảnh: CẨM NHUNG
Khách tham quan Bảo tàng Côn Đảo.

Hiện nay, Bảo tàng tỉnh đang chuẩn bị thi công nội thất để trưng bày hiện vật, tư liệu phục vụ khách tham quan. Công trình Nhà Bảo tàng tỉnh (6, Trần Phú, TP.Vũng Tàu) được xây dựng quy mô lớn, là nơi trưng bày các tư liệu, hiện vật trong dòng chảy lịch sử Việt Nam và thế giới, phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, tìm hiểu lịch sử của người dân. Qua đó, góp phần quảng bá, thu hút khách du lịch đến với Bảo tàng.  

Ông Trần Thế Sơn, nhà nghiên cứu, phê bình mỹ thuật, đạo diễn Đài Truyền hình Việt Nam-người được Bảo tàng tỉnh mời góp ý Đề án trưng bày nội thất Bảo tàng tỉnh cho biết, hiện nay, các bảo tàng trong nước có chung mô típ cũ mấy chục năm qua là sắp xếp, trưng bày hiện vật ở dạng tĩnh, đặt cố định trên các bục, bệ, tường. Người xem chỉ được quan sát hiện vật và biết thông tin qua lời giới thiệu của thuyết minh viên. Thế nhưng, do thời gian tham quan thường có hạn, người xem không tường tận được hết nguồn gốc, ý nghĩa lịch sử của các tư liệu, hiện vật... Hơn nữa, do hiện vật trưng bày ở dạng tĩnh, trơ cứng nên khó gây ấn tượng cho người xem. Vì vậy, để tăng sức hấp dẫn cho hiện vật, có thể ứng dụng công nghệ trong việc giới thiệu hình ảnh, thông tin về hiện vật; qua đó tương tác với người xem, giúp người xem dễ ghi nhớ hơn với các bức tranh, phù điêu bằng kỹ thuật vẽ 3D hoặc những đoạn phim ngắn. 

Chẳng hạn, khi nói về đồng bào dân tộc Châu Ro, người xem sẽ không chỉ dừng lại ở việc xem hình ảnh người dân đứng quanh ngôi nhà sàn mà họ còn muốn hiểu rõ hơn về phong tục sinh hoạt, đời sống của đồng bào. Vì vậy, ngoài trưng bày các bức tranh hay hiện vật của đồng bào dân tộc Châu Ro, cần có các video clip giới thiệu về cách nấu các món ẩm thực đặc trưng, sinh hoạt văn nghệ, cách tổ chức lễ hội cúng mùa... của đồng bào. Hay khi giới thiệu về sự gian khổ, hy sinh của các chiến sĩ cách mạng tại Nhà tù Côn Đảo, Bảo tàng cần trưng bày hình ảnh về các chiến sĩ cộng sản bị giam cầm, kèm theo đó là âm thanh minh họa cho tiếng xiềng xích, tiếng đòn roi tra tấn của giặc... thì sẽ tạo ấn tượng, tác động mạnh đến cảm xúc của người xem. Ngoài ra, Bảo tàng cũng có thể tích hợp các hình ảnh, video clip trên các màn hình để người xem khi có nhu cầu chỉ cần bấm nút là được biết thông tin về hiện vật trưng bày. Các hình ảnh, hiện vật được truyền tải đến người xem thông qua nhiều giác quan sẽ kích thích trí tò mò, tạo sự thích thú, hào hứng cho người xem hơn là chỉ cảm nhận qua mắt nhìn hoặc nghe thuyết minh viên giới thiệu.

Bảo tàng các nước trên thế giới như: Singapore, Pháp, Mỹ, Anh... đều ứng dụng công nghệ thông tin vào việc trưng bày, giới thiệu tư liệu, hiện vật. Tại Việt Nam, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào trưng bày hiện vật được Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tiên phong khi đã xây dựng một bảo tàng ảo tương tác 3D tại khu trưng bày Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam và Đèn cổ Việt Nam. 150 hiện vật tại 2 khu trưng bày này được giới thiệu đầy đủ về nguồn gốc, xuất xứ, niên đại, kèm theo là những bài nghiên cứu, video clip minh họa sinh động. 

Việc ứng dụng công nghệ thông tin sẽ khiến cho các hiện vật, tư liệu khô khan trở nên sống động, hấp dẫn, giúp người xem xem “đã mắt”, nghe “đã tai”, muốn nán lại để xem nữa, từ đó mới thu hút được khách đến với bảo tàng thường xuyên, ổn định và lâu dài.

Bài, ảnh: THI PHONG

;
.