.

ĐỪNG LÀM CHO DỊCH SỐT XUẤT HUYẾT PHỨC TẠP HƠN !

Cập nhật: 10:09, 09/09/2006 (GMT+7)

Mới đây, trước việc một số phòng mạch tư trên địa bàn tỉnh "giữ" bệnh nhân sốt xuất huyết lại để điều trị, thậm chí truyền dịch cho bệnh nhân, Sở Y tế đã có văn bản yêu cầu tất cả các cơ sở hành nghề y tư nhân không được phép giữ bệnh nhân sốt xuất huyết nặng từ độ II trở lên để điều trị, và cấm tuyệt đối việc truyền dịch. Thế nhưng, một số cơ sở vẫn… tảng lờ. Bác sĩ Trương Đình Chính, Trưởng phòng Nghiệp vụ Sở Y tế cho rằng, một phần trách nhiệm của sự việc này vẫn là do ngành y tế chưa quản lý tốt các cơ sở hành nghề y tư nhân, một phần do người dân chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về phòng và chữa bệnh.

Trên thực tế, nhiều người dân khi thấy mệt hoặc sốt là lại yêu cầu bác sĩ truyền dịch cho "mát" để chóng khoẻ mà không hiểu rằng, trong một số trường hợp, việc truyền dịch có thể làm cho bệnh tình càng trở nặng hơn, trong đó có bệnh sốt xuất huyết. Nhiều ca sốt xuất huyết khi nhập viện đã được truyền dịch không đúng theo phác đồ của Bộ Y tế trước đó khiến cho bệnh tình có diễn biến phức tạp với nhiều biến chứng khó lường, khiến cho việc điều trị khó khăn hơn rất nhiều. Thời gian qua, đã có trường hợp sốt xuất huyết được truyền dịch tại phòng mạch tư sau đó nhập viện và đã tử vong do biến chứng nặng.

Tại cuộc họp giao ban tháng 8, của ngành y tế tỉnh, bác sĩ Nguyễn Văn Hương, Giám đốc Trung tâm Y tế TX. Bà Rịa cũng đã cho biết hiện tượng một số phòng mạch tư trên địa bàn thị xã đã giữ bệnh nhân SXH để điều trị và có truyền dịch. Tại TP.Vũng Tàu cũng đã ghi nhận ít nhất 2 phòng mạch tư có truyền dịch cho bệnh nhân đã được chẩn đoán SXH. Trước tình trạng trên, Sở Y tế đã buộc phải yêu cầu các bệnh viện khi bệnh nhân SXH nhập viện phải "điều tra” rõ về thời gian mắc bệnh, đã khám ở phòng mạch tư hay chưa và phòng mạch đó có truyền dịch hay không. Trong trường hợp bệnh nhân cho biết đã "được" phòng mạch tư nào truyền dịch, bệnh viện phải lập biên bản, có chữ ký xác nhận của bệnh nhân để Sở Y tế xử lý. Sở Y tế cũng đề nghị người dân tại cộng đồng khi phát hiện có những sai phạm tại các cơ sở hành nghề y tư nhân nên báo cho cơ quan chức năng biết để có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Trong khi các ban, ngành, đoàn thể và cả cộng đồng cùng chung sức đối phó với dịch SXH thì một số bác sĩ lại vì lợi nhuận đi ngược lại chủ trương chung, làm cho tình hình thêm xấu đi. “Thật chẳng khác gì chúng tôi đang trồng rừng, còn họ lại đi đằng sau để phá rừng”. Bác sĩ Chính nói.

Minh Thư