.

DỰ ÁN XÂY DỰNG NHÀ MÁY CHẾ BIẾN TINH BỘT KHOAI MÌ TẠI XÃ SƠN BÌNH – CHÂU ĐỨC: NGƯNG TRỆ VÌ THIẾU VỐN

Cập nhật: 08:26, 02/02/2005 (GMT+7)
Nhà máy xây dựng dở dàng đang bị bỏ hoang phế.

Khởi công đầu năm 2000 thì cuối năm 2000 công trình xây dựng nhà máy chế biến tinh bột khoai mì tại ấp 3 xã Sơn Bình, huyện Châu Đức đã bị ngưng trệ. Bao nhiêu hy vọng của người dân Xuân Sơn về cơ hội tìm kiếm công ăn việc làm ở nhà máy này đến nay vẫn tắt ngấm.

NGƯỜI DÂN THẤT VỌNG

Tiếp xúc và làm việc với chúng tôi, ông Lê Quý Thịnh, Chủ tịch UBND xã Sơn Bình bức xúc cho biết: "Năm 1998, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt dự án xây dựng nhà máy chế biến tinh bột khoai mì tại ấp 3 nên xã có đứng ra vận động người dân nhận tiền đền bù bàn giao mặt bằng có diện tích 14,9 ha để thi công công trình. Thời gian đó, giá đền bù được thỏa thuận giữa người dân và nhà đầu tư với mức 25 triệu đồng/ha. Tổng số tiền mà Công ty Đầu tư – Xây dựng – Thương mại bỏ ra đền bù cho người dân di dời lúc bấy giờ hơn 600 triệu đồng gồm cả hoa màu và đất đai. Lúc đó một số hộ còn chần chừ chưa muốn nhận tiền đền bù nhưng do doanh nghiệp có hứa sau khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ ưu tiên giải quyết việc làm cho con em họ nên mọi người bằng lòng ra đi".

Đối với người dân ở một xã vùng xa như Sơn Bình thì việc có nhà máy chế biến tinh bột mì là điều ai cũng mong muốn, bởi vì nếu nhà máy hoạt động không chỉ giải quyết việc làm cho số lao động địa phương mà còn thúc đẩy phát triển các dịch vụ khác. Nhưng điều khiến mọi người thất vọng là sau khi phát lệnh khởi công xây dựng nhà máy vào những tháng đầu năm 2000 thì đến cuối năm sau khi đang xây dựng dở dang nhà làm việc và nhà xưởng công trình đã bị ngưng lại rồi nằm ì cho đến nay.

Cùng với các cán bộ xã, chúng tôi đến nơi xây dựng công trình – giờ đây là một khu có vài chú bò thủng thẳng gặm cỏ. Theo lãnh đạo xã Sơn Bình, hiện nơi đây có 2 người trông coi, gồm 1 kỹ sư và một bảo vệ. Tuy nhiên, do nhà máy chưa đi vào hoạt động nên một số tệ nạn xã hội đã nảy sinh khiến chính quyền địa phương rất lo lắng.

Nói chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Sinh Cát, ở thôn Tân Bình, ấp Tân Bình xã Sơn Bình bộc bạch: "Gia đình có hơn 2 mẫu đất, trong đó có 6 sào đất bị giải tỏa để xây dựng nhà máy. Khi bàn giao mặt bằng cũng mong muốn trên địa bàn xã có một nhà máy hiện đại nhằm giải quyết việc làm cho người dân. Thế nên trông thấy nhà máy đang xây dở dang rồi nằm ì đó, chúng tôi thấy buồn". Đồng tâm trạng đó, anh Dương Tích – người có đến 1 mẫu đất bị thu hồi – nói: "Tết nào cũng thấy họ mang heo quay đến đây cúng, rồi nghe mọi người đồn rằng nhà máy sắp làm nhưng nào có thấy động đậy gì đâu. Chúng tôi cứ mừng tưởng rằng sẽ dễ bề làm ăn hơn, sẽ có nhiều việc làm hơn, ai dè..."

DỰ ÁN BỊ NGƯNG TRỆ, VÌ SAO?

Ngày 26 – 8 – 1998, UBND tỉnh đã cấp giấy phép đầu tư cho phép các bên, gồm: Bên nước ngoài là Công ty KAY SENG TRADING Pte.Ltd (trụ sở đặt tại 322 JALAN BESAR, Singapore) và phía Việt Nam là Công ty Đầu tư – Xây dựng – Thương mại tỉnh và Công ty TNHH Anh Đào, TP. Vũng Tàu liên doanh thành lập công ty sản xuất chế biến tinh bột khoai mì tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Theo đó doanh nghiệp liên doanh này có tên là Công ty liên doanh chế biến nông sản Châu Đức, trụ sở đặt ở xã Xuân Sơn, huyện Châu Đức. Tổng số vốn đầu tư của doanh nghiệp là 1.900.000 USD và vốn pháp định 900.000 USD. Trong đó Công ty Đầu tư – Xây dựng – Thương mại tỉnh góp 180.000 USD, chiếm 20% vốn pháp định bằng giá trị quyền sử dụng 14 ha đất tại xã Xuân Sơn trong thời gian 30 năm với giá thuê đất 300 USD/ha/năm, trị giá 126.000 USD và 54.000USD bằng tiền mặt và hiện vật. Công ty TNHH Anh Đào góp 90.000 USD. Phía Công ty nước ngoài góp 63.000 USD.

Ông Lê Công Danh, Tổng Giám đốc Công ty liên doanh chế biến nông sản Châu Đức cho biết, việc xây dựng nhà máy này là tâm huyết của công ty và công ty vẫn đang đeo đuổi chứ không bỏ cuộc. Cụ thể là đến nay đã xây dựng xong khu nhà làm việc, khu nhà ăn, nhà cân xe, chỉ còn chờ dây chuyền thiết bị và xây dựng khu xử lý nước thải là có thể đi vào hoạt động. Tuy nhiên, thời gian qua công trình phải ngưng lại giữa chừng do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do phía đối tác nước ngoài đang gặp khó khăn về tài chính, còn về phía Việt Nam đã thực hiện xong việc góp vốn. "Thời gian gần đây chúng tôi cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn biện pháp tháo gỡ. Qua đó, đối tác nước ngoài cũng đã hứa rằng nếu chưa có giải pháp hữu hiệu để giải quyết vướng mắc về tài chính thì họ sẽ chuyển sang một đối tác khác cho chúng tôi ", ông Cảnh nói.

Tháo gỡ khó khăn về tài chính và bàn bạc hướng xử lý môi trường nếu dự án được tiếp tục triển khai trong thời gian tới là những vấn đề trọng tâm mà các nhà đầu tư tham gia vào dự án đang xúc tiến. Tuy nhiên, bao giờ thì dự án sẽ khởi động trở lại thì ngay cả những người trong cuộc cũng chưa dám khẳng định. Người dân ở xã Sơn Bình không chỉ tiếc cho nhà máy chưa hoạt động mà còn chua xót khi trông thấy tài sản của địa phương không được sử dụng hiệu quả.

Bài, ảnh: Triệu Vỹ

.
.
.