.

Những thành tựu trong công cuộc đổi mới của Đảng

Cập nhật: 00:36, 04/02/2020 (GMT+7)

Năm 2020, Đảng ta tròn 90 tuổi (1930-2020). Trong quá trình 90 năm thành lập và phát triển, Đảng đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đất nước độc lập, thống nhất, Đảng lại lãnh đạo công cuộc đổi mới. 

Năm 2019, tỷ trọng khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 34,49% trong nền kinh tế Việt Nam. Trong ảnh: Công nhân và kỹ sư Công ty TNHH Alpha ECC (KCN Đông Xuyên, TP. Vũng Tàu) trao đổi kỹ thuật  làm bồn chứa dầu xuất khẩu. Ảnh: SONG THƯ
Năm 2019, tỷ trọng khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 34,49% trong nền kinh tế Việt Nam. Trong ảnh: Công nhân và kỹ sư Công ty TNHH Alpha ECC (KCN Đông Xuyên, TP. Vũng Tàu) trao đổi kỹ thuật làm bồn chứa dầu xuất khẩu. Ảnh: SONG THƯ

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI (tháng 12/1986), Đảng đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, mở ra bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Qua hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng: Việt Nam đã vươn lên từ một quốc gia nghèo đói, kém phát triển trở thành quốc gia đang phát triển, có thu nhập trung bình. 

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ghi nhận những dấu mốc quan trọng. Ở giai đoạn đầu của thời kỳ đổi mới (1986-1990), mức tăng trưởng GDP bình quân hàng năm chỉ đạt 4,4%. Trong giai đoạn 2011-2015, GDP của Việt Nam đạt 5,9%/năm, là mức cao của khu vực và thế giới. Năm 2019, GDP nước ta tăng 7,02%. Việt Nam đã chuyển từ nhóm thu nhập thấp sang thu nhập trung bình. Quy mô nền kinh tế đứng thứ 44 thế giới. Môi trường đầu tư liên tục được cải thiện, nhờ đó thu hút ngày càng nhiều vốn đầu tư cho phát triển. Cơ cấu kinh tế bước đầu chuyển dịch theo hướng hiện đại; giảm dần khu vực nông nghiệp, tăng khu vực dịch vụ và công nghiệp. Cơ cấu kinh tế năm 2019 cũng có những chuyển biến tích cực với tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm xuống 13,96% GDP, so với mức 14,68% của năm 2018. Tỷ trọng khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 34,49%; khu vực dịch vụ chiếm 41,64%. Việc ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao, đã tạo những tiền đề để bước đầu chuyển sang xây dựng kinh tế tri thức.

Việt Nam không chỉ quan tâm đến tốc độ tăng trưởng kinh tế mà còn ý thức rất rõ yêu cầu nâng cao chất lượng tăng trưởng, chú trọng phát triển bền vững. Việc tăng trưởng kinh tế cơ bản gắn kết hài hòa với phát triển văn hóa, xây dựng con người, tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường. Tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội. An sinh xã hội cơ bản được bảo đảm. Hệ thống an sinh xã hội và phúc lợi xã hội phát triển khá đồng bộ, nhất là trong vấn đề giảm nghèo, giải quyết việc làm, phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội, chính sách ưu đãi người có công, trợ giúp xã hội, chính sách bảo hiểm y tế toàn dân, tạo điều kiện để người dân được hưởng thụ nhiều hơn về văn hóa, y tế và giáo dục.  

Việt Nam cũng đóng góp vào công việc chung thế giới, từng bước hội nhập quốc tế; thiết lập quan hệ ngoại giao với 189 nước trên thế giới, hoàn thiện mạng lưới đối tác chiến lược và đối tác toàn diện, nâng tổng số lên 30 đối tác trong năm 2019. Quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và hiệu quả, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

 Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, đặc biệt là công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chuyển biến mạnh mẽ, quyết liệt, có bước đột phá và đạt nhiều kết quả rõ rệt. Sự đoàn kết, thống nhất, phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng giữa Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội được tăng cường. Chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh không ngừng được củng cố, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững. Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết về đổi mới và chỉnh đốn Đảng, về những vấn đề cơ bản và cấp bách đối với công tác xây dựng Đảng và ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đảng luôn kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tạo nền tảng vững chắc để đất nước phát triển; quan tâm sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh, triển khai đồng bộ công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán với điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng, kinh tế; kỷ luật nghiêm minh nhiều cán bộ, đảng viên; quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, đạo đức, đủ năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. 

Quá trình hơn 30 năm lãnh đạo công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước của Đảng được đánh giá là một giai đoạn lịch sử quan trọng đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng. Những thành tựu trong công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo đã khẳng định đường lối đổi mới là hoàn toàn đúng đắn. Thế và lực mới của đất nước sau hơn 30 năm đổi mới sẽ là tiền đề vững chắc, là động lực, là niềm tin để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục đoàn kết, kiên định mục tiêu và con đường chủ nghĩa xã hội được đề ra tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. 

ĐỖ THANH HUYỀN (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

.
.
.