Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 được tổ chức vào cuối tháng 6/2025, với nhiều điểm mới mà thí sinh cần lưu ý.
![]() |
Học sinh Trường THPT Vũng Tàu (TP.Vũng Tàu) ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. |
Thay đổi nội dung, phương thức đánh giá và tổ chức thi
Theo GS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), cấu trúc đề thi năm nay được điều chỉnh theo hướng phù hợp với định hướng phát triển năng lực của học sinh. Cụ thể, tỉ lệ các mức độ tư duy trong đề thi gồm 40% câu hỏi ở mức biết, 30% ở mức hiểu và 30% ở mức vận dụng. Đây là sự thay đổi quan trọng nhằm khuyến khích học sinh không chỉ ghi nhớ kiến thức mà còn hiểu sâu và vận dụng vào thực tiễn.
Một thay đổi đáng chú ý khác trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 là cách tính điểm xét tốt nghiệp. Theo đó, 50% điểm xét tốt nghiệp đến từ kết quả thi, 50% còn lại được tính từ quá trình học tập 3 năm của học sinh. Đây là sự thay đổi cơ bản so với trước đây, giúp đánh giá toàn diện hơn quá trình rèn luyện của học sinh, thay vì chỉ tập trung vào một kỳ thi duy nhất.
Về công tác tổ chức thi, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 có một số điều chỉnh để giảm áp lực cho thí sinh. Kỳ thi năm nay chỉ diễn ra trong 3 buổi. Trong đó, buổi thi thứ ba sẽ tổ chức cả 2 môn tự chọn cùng lúc. Thí sinh sẽ không phải di chuyển giữa các phòng thi như trước, mà sẽ thi tại một phòng duy nhất trong toàn bộ kỳ thi. Việc thu bài cũng sẽ thực hiện theo phòng, không cần thu theo từng môn riêng lẻ như trước. Điều này giúp giảm thời gian và công tác tổ chức, đồng thời tạo điều kiện cho thí sinh làm bài trong môi trường ổn định. Đặc biệt, một phòng thi có thể tổ chức tối đa 5 môn thi khác nhau.
Để bảo đảm an toàn, số mã đề thi cũng được tăng lên đáng kể. Trước đây, mỗi phòng thi có 24 mã đề, nhưng năm nay sẽ có tới 48 mã đề, được sắp xếp phù hợp với 2 khung giờ của buổi thi thứ ba. Điều này giúp tăng cường tính bảo mật của kỳ thi.
Kỳ thi năm nay sẽ đồng thời áp dụng cho 2 nhóm thí sinh: Nhóm học theo Chương trình GDPT 2018 và nhóm học theo Chương trình GDPT 2006 (những học sinh chưa tốt nghiệp hoặc thi lại để xét tuyển đại học).
Chuẩn bị chu đáo để tổ chức kỳ thi thành công
Để chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, GS.TS Nguyễn Ngọc Hà nhấn mạnh 5 nhóm nhiệm vụ mà các địa phương cần đặc biệt chú trọng, cụ thể như sau:
Về cơ sở vật chất, điểm thi: Các địa phương cần rà soát, lựa chọn điểm thi đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất, an ninh và an toàn.
Nhân sự: Cán bộ coi thi, giám sát, thanh tra cần được tuyển chọn, tập huấn kỹ lưỡng để bảo đảm số lượng và chất lượng.
An ninh, bảo mật: Phối hợp với công an địa phương để bảo đảm an toàn kỳ thi, đặc biệt là ngăn chặn gian lận bằng công nghệ cao.
Tuyên truyền, hướng dẫn: Cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quy chế thi cho học sinh và phụ huynh để tránh sai sót đáng tiếc.
Phương án dự phòng: Các địa phương cần xây dựng kịch bản xử lý các tình huống bất thường như: Lỗi in đề, sai sót trong ghi thông tin bài thi, sự cố mất điện, thời tiết xấu, ùn tắc giao thông, thiên tai, dịch bệnh...
“Với những thay đổi và sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ Bộ GDĐT cũng như các địa phương, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 được kỳ vọng sẽ diễn ra suôn sẻ, bảo đảm công bằng và đánh giá chính xác năng lực của học sinh”, GS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, nói.
THƯ KỲ