Chỉ cần đầu tư một chiếc xe đẩy nhỏ, cao tầm 1,5m, nhiều ngăn, tiện lợi, giá từ 7 đến hơn 10 triệu đồng là có thể kinh doanh hàng trăm món ăn đường phố, từ bánh tráng trộn, bánh mì, bánh tráng nướng, xúc xích, chả cá viên chiên đến hủ tiếu, phở, bún, cơm…
Vốn ít, tiện lợi, dễ di chuyển, khách hàng đa dạng nên kinh doanh thức ăn đường phố đang là nghề mưu sinh của nhiều người. Chính vì vậy, chỉ cần bước chân ra khỏi nhà là bắt gặp hàng loạt xe bán thức ăn đường phố.
Theo khái niệm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thức ăn đường phố là những đồ ăn, thức uống được làm sẵn hoặc chế biến, nấu nướng tại chỗ, có thể ăn ngay và được bày bán trên đường phố, những nơi công cộng chẳng hạn như siêu thị, công viên, khu du lịch, điểm giải trí hay trước cổng trường học, bệnh viện.
Thống kê của tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp quốc (FAO) thì khoảng 2,5 tỷ người ăn thức ăn đường phố mỗi ngày. Tại nước ta, thức ăn đường phố từ xưa đến nay được xem như là một nét đặc trưng trong ẩm thực Việt. Từ học sinh, sinh viên, công nhân viên chức lao động… đều “mê” thức ăn đường phố. Nhiều món ăn đường phố của Việt Nam không chỉ thu hút thực khách trong nước mà còn hấp dẫn du khách nước ngoài. Chuyên trang ẩm thực quốc tế TasteAtlas mới đây công bố danh sách 100 món ăn đường phố hấp dẫn nhất ở châu Á, trong đó Việt Nam góp mặt với 5 món ngon gồm: bánh mì, phở, cơm tấm, chả giò và bánh xèo.
Thế nhưng, đa số các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố đều nhỏ lẻ, lại không được cấp giấy phép kinh doanh, không đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Việc bảo quản, chế biến thức ăn đường phố cũng thường không đảm bảo các điều kiện về vệ sinh, thậm chí một số người bán thức ăn đường phố gần cống rãnh, hố ga, di chuyển nay đây mai đó…
Nhiều vụ ngộ độc xảy ra do thức ăn đường phố thường không lưu mẫu thức ăn, khó khăn khi xác định được nguyên nhân. Và câu chuyện ngộ độc thực phẩm từ bánh mì mới đây ở cơ sở bánh mì - xôi Cô Ba Bến Đình là một ví dụ điển hình. Theo Quyết định số 3199/QĐ-XPHC về xử phạt vi phạm hành chính của UBND tỉnh đối với bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, chủ tiệm nói trên cho thấy, cơ sở này quy trình sản xuất thực phẩm không theo nguyên tắc một chiều từ nguyên liệu đầu vào cho đến sản phẩm cuối cùng; người chế biến thức ăn mà không dùng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay; kinh doanh dịch vụ ăn uống mà không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; bán thực phẩm gây ngộ độc làm ảnh hưởng đến sức khỏe của từ 5 người trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Sau vụ ngộ độc thực phẩm khiến hàng trăm người nhập viện, nhiều địa phương đang khẩn trương triển khai công tác quản lý an toàn thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Nhưng quản lý thức ăn đường phố như thế nào khi số lượng kinh doanh lĩnh vực này rất lớn? Trong khi đó, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người.
Rõ ràng, không chỉ trông chờ vào ý thức trách nhiệm của người bán hay công tác kiểm tra, quản lý của cơ quan chức năng, mà ở đây người tiêu dùng cũng cần tự trang bị cho mình kiến thức và hãy nói không với những quán ăn vỉa hè không đảm bảo các điều kiện vệ sinh, góp phần nâng cao sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.
NGÔ GIA