Buôn lậu xăng dầu trên biển chưa "hạ nhiệt"

Thứ Sáu, 14/04/2023, 19:40 [GMT+7]
In bài này
.

Từ đầu năm đến nay, lực lượng Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng liên tục phát hiện, xử lý hàng loạt phương tiện vận chuyển trái phép xăng dầu trên biển, cho thấy hoạt động này vẫn còn diễn biến phức tạp. Các lực lượng chức năng đang tiếp tục triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn, xử lý.

Biên đội I/23 - Hải đoàn Biên phòng 18 bắt giữ tàu cá KG 95548 TS vận chuyển 100.000 lít dầu D.O trái phép hồi tháng 3/2023.
Biên đội I/23 - Hải đoàn Biên phòng 18 bắt giữ tàu cá KG 95548 TS vận chuyển 100.000 lít dầu D.O trái phép hồi tháng 3/2023.

Liên tiếp phát hiện tàu vận chở dầu không giấy tờ

Lúc 9 giờ 45 phút ngày 19/3, tại vùng biển cách Côn Đảo khoảng 150 hải lý về phía Đông Đông Nam (tọa độ 07 độ 28N - 108 độ 40E), Bộ Tư lệnh Vùng CSB 3 phát hiện tàu cá TG 94456 TS có dấu hiệu nghi vấn nên tiến hành kiểm tra. Qua khám xét, tàu vận chuyển 60.000 lít dầu D.O, thuyền trưởng và 4 thuyền viên đều không xuất trình được giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của số dầu trên.

Tiếp đó, vào lúc 17 giờ 15 phút ngày 23/3, trong quá trình tuần tra tại vùng biển Bà Rịa – Vũng Tàu, Biên đội I/23 (Hải đoàn Biên phòng 18) khi tiến hành kiểm tra tàu TG 94438 TS do ông Nguyễn Văn Bình (SN 1968, trú tại TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) làm thuyền trưởng, lực lượng chức năng đã phát hiện tàu đang vận chuyển khoảng 15.000 lít dầu D.O. Thuyền trưởng Nguyễn Văn Bình không xuất trình được hóa đơn, chứng từ, chứng minh nguồn gốc số dầu trên.

Theo Thiếu tá Trương Việt Tuyến, Đội trưởng Đội phòng chống ma túy và tội phạm Hải đoàn Biên phòng 18, trong số các vụ vận chuyển trái phép xăng dầu trên biển do Hải đoàn Biên phòng 18 phát hiện xử lý gần đây đa phần là tàu cá cải hoán thành tàu chở dầu rồi móc nối với các đối tượng nước ngoài mua dầu giá rẻ để bán lại cho người có nhu cầu trong nước. Cụ thể, các đối tượng sử dụng tàu đã cái hoán ra các vùng biển giáp ranh để thực hiện hành vi giao dịch mua bán, sang mạn rồi vận chuyển vào đất liền tiêu thụ hoặc bán lại cho tàu cá đánh bắt trên biển.

Sau quá trình theo dõi, sáng 29/3, Biên đội I/23 của Hải đoàn Biên phòng 18 đã bắt quả tang và dẫn giải tàu cá KG 95548 TS về TP. Vũng Tàu để điều tra, làm rõ hành vi vận chuyển hơn 100.000 lít dầu D.O trái phép. Thoạt nhìn, ai cũng nghĩ chiếc tàu bị bắt là tàu khai thác thủy sản bởi trên thân tàu ghi rõ là KG 95548 TS (tức tàu vẫn đăng ký là khai thác thủy sản tại tỉnh Kiên Giang). Tuy nhiên trên tàu lại không có ngư cụ mà thay vào đó là nhiều dụng cụ dùng để san chiết dầu như ống hút, trụ bơm. Đặc biệt, hầm chứa cá, nước đá của tàu cá được dùng để chứa dầu D.O.

Qua điều tra, ông Nguyễn Văn Thanh, thuyền trưởng tàu cá KG 95548 TS cho biết, trung bình mỗi lít dầu lậu được bán thành công trên biển, sau khi trừ chi phí vẫn còn lãi khoảng hơn 1.000 đồng/lít. Chính vì lợi nhuận lớn như vậy nên nhiều tàu cá đã bỏ nghề đánh cá để chuyển sang buôn dầu lậu.

Cùng với việc sử dụng tàu cá để buôn lậu xăng dầu trên biển, nhằm đánh lạc hướng điều tra của lực lượng chức năng, nhiều đối tượng còn dùng thủ đoạn như thay đổi tên và số hiệu phương tiện, tuyến hành trình, tắt thiết bị định vị hòng qua mặt lực lượng chức năng.

Theo Thượng tá Bùi Xuân Tùng, Trưởng Phòng Trinh sát Bộ Tư lệnh Vùng CSB 3, buôn lậu xăng, dầu thường diễn ra tại khu vực biển phía nam Côn Đảo và giáp ranh với Indonesia, Malaysia… Các đối tượng thường vận chuyển và giao nhận xăng, dầu trái phép vào ban đêm. Đối tượng cầm đầu thường không trực tiếp “xuất đầu lộ diện” mà chỉ đạo gián tiếp thông qua thuyền trưởng và thuyền viên trên tàu và sử dụng sim “rác” để giao dịch nên khi cơ quan chức năng bắt giữ thì việc xác định chủ hàng, chứng minh yếu tố vi phạm pháp luật, xử lý gặp rất nhiều khó khăn.

Tăng cường tuần tra, kiểm soát

Thượng tá Bùi Xuân Tùng,  cho biết thêm, thời gian tới, Vùng CSB 3 sẽ tập trung tuần tra, kiểm soát chặt vùng biển được phân công; phối hợp chặt chẽ, trao đổi thông tin với lực lượng Hải quan, Biên phòng trong nắm bắt tình hình buôn lậu trên biển để ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Nói về các giải pháp đấu tranh trong thời gian tới, Thượng tá Mai Anh Tuấn, Trưởng Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP tỉnh cho biết, ngoài sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, điều tra cơ bản, xây dựng các phương án, kế hoạch nghiệp vụ để phòng ngừa, kiểm soát, đấu tranh ngăn chặn hoạt động buôn lậu xăng dầu trên biển, một trong những kinh nghiệm rút ra nhằm kiểm soát tốt địa bàn là dựa vào ngư dân, phát huy vai trò quần chúng nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.

“Các đơn vị BĐBP cần chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo ban, ngành, đoàn thể, lực lượng chức năng đẩy mạnh tuyên truyền cho quần chúng nhân dân về đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; thường xuyên phối hợp sơ kết, rút kinh nghiệm, khen thưởng những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện phong trào đấu tranh, tố giác tội phạm, tổ chức gặp mặt, bồi dưỡng, phổ biến pháp luật cho chủ tàu thuyền, ngư dân, xây dựng tổ đoàn kết trên biển, xây dựng thế trận biên phòng trên biển vững mạnh”, Thượng tá Mai Anh Tuấn nhấn mạnh.

Bài, ảnh: MINH NHÂN

 
;
.