Sáng 28/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch.
![]() |
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đại tá, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội kiến nghị: “Tăng cường vai trò cấp xã trong hệ thống quy hoạch”. |
Tham gia phát biểu, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đại tá, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội khẳng định tán thành với nhiều nội dung sửa đổi trong Dự luật, nhất là các quy định nâng cao tính khả thi, đồng bộ trong hệ thống quy hoạch quốc gia. Tuy nhiên, ông cho rằng một điểm then chốt vẫn chưa được làm rõ trong cả Luật hiện hành lẫn dự thảo lần này, đó là vai trò, trách nhiệm và cơ chế phối hợp của chính quyền cấp xã – cấp hành chính trực tiếp gắn với người dân và hiện trạng địa phương.
Trong bối cảnh cả nước đang từng bước chuyển đổi sang mô hình chính quyền hai cấp, cần thiết phải thể chế hóa vai trò của chính quyền cấp xã trong hệ thống quy hoạch. Đại biểu Hùng kiến nghị bổ sung vào Điều 5 của Luật hiện hành quy định rõ cấp xã là chủ thể phối hợp trong hệ thống quy hoạch quốc gia, có trách nhiệm cung cấp thông tin, đề xuất phương án và phối hợp triển khai thực hiện quy hoạch trên địa bàn. Việc này giúp tăng tính liền mạch và khả năng thực thi khi chuyển đổi mô hình tổ chức chính quyền.
Đối với Điều 16 của Luật, ông đề xuất bổ sung quy định yêu cầu cơ quan lập quy hoạch tỉnh phải lấy ý kiến chính thức từ UBND cấp xã, đồng thời cấp xã phải cung cấp đầy đủ dữ liệu, đề xuất về không gian dân cư, hạ tầng và sản xuất. Thực tế thời gian qua cho thấy, nhiều địa phương chưa lắng nghe đầy đủ tiếng nói từ cấp xã, dẫn đến bất cập trong tổ chức triển khai quy hoạch.
Tại Điều 45 về kế hoạch thực hiện quy hoạch, ông đề nghị bổ sung quy định xác định UBND cấp xã có trách nhiệm phối hợp thực hiện quy hoạch, theo dõi việc sử dụng đất, đầu tư hạ tầng theo quy hoạch đã phê duyệt và định kỳ báo cáo cơ quan cấp tỉnh. Đây là cơ chế cần thiết để cấp xã – dù không có quyền quyết định quy hoạch – nhưng vẫn có vai trò chủ động trong triển khai thực tế.
Với Điều 55 về trách nhiệm quản lý nhà nước về quy hoạch, Đại biểu Hùng cho rằng cần bổ sung nhiệm vụ tuyên truyền, giám sát thực hiện và tiếp nhận kiến nghị người dân về quy hoạch tại cấp xã. Chính cấp xã mới là nơi sát dân nhất, có thể kịp thời nắm bắt và phản ánh các vấn đề bất cập, từ đó nâng cao hiệu quả thực thi ngay từ cơ sở.
Bên cạnh đó, ông cũng đề xuất bổ sung quy định tại Điều 54a hoặc phần quy định chuyển tiếp của Dự luật, nhằm làm rõ cơ chế rà soát, kế thừa và cập nhật nội dung quy hoạch cấp xã sau sáp nhập địa giới hành chính. Việc này tạo cơ sở pháp lý cho UBND cấp xã mới tích hợp các quy hoạch cũ của đơn vị hành chính hợp nhất, bảo đảm tính kế thừa, liên tục và hiệu quả.
CHÂU VŨ – PHÚC LƯU
(Từ Hà Nội)