Đổi mới điều hành, tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế

Thứ Sáu, 23/05/2025, 12:34 [GMT+7]
In bài này
.

Sáng 23/5, thảo luận tại Tổ đại biểu số 4 về tình hình kinh tế - xã hội, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Thị Yến đã có nhiều đề xuất cụ thể.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Thị Yến: “Đổi mới điều hành, nâng cao năng lực ứng phó và phát triển bền vững”.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Thị Yến: “Đổi mới điều hành, nâng cao năng lực ứng phó và phát triển bền vững”.

Phát huy kết quả, kiến tạo nền tảng cho điều hành kinh tế - xã hội bền vững

Đại biểu Nguyễn Thị Yến đánh giá cao sự nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và duy trì đà tăng trưởng. Theo bà, kết quả tăng trưởng GDP năm 2024 đạt 7,09% và quý I/2025 đạt 6,93% là những con số có ý nghĩa, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn. Việc Việt Nam đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu năm 2024, vươn lên vị trí thứ 32 thế giới về quy mô kinh tế là minh chứng cho khả năng điều hành linh hoạt, hiệu quả.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Yến cho rằng để đạt mục tiêu phát triển bền vững năm 2025, cần quan tâm sâu hơn đến những điểm nghẽn trong thực tiễn. Đặc biệt, tiến độ giải ngân đầu tư công vẫn rất chậm: quý I/2025 chỉ đạt 9,53% kế hoạch. Theo bà, nguyên nhân không phải do thiếu vốn, mà chủ yếu do vướng mắc pháp lý, thủ tục hành chính và tâm lý sợ trách nhiệm.

Đại biểu đề xuất Quốc hội và Chính phủ xem xét áp dụng cơ chế giao vốn theo tiến độ, gắn với khen thưởng, điều chuyển vốn có điều kiện và phân cấp điều chỉnh linh hoạt trong nội bộ kế hoạch, bảo đảm công khai, minh bạch và giải trình trách nhiệm rõ ràng.

Đại biểu cũng cảnh báo tình trạng tồn đọng kéo dài của các dự án đầu tư công. Hiện nay, cả nước có hơn 2.200 dự án chưa được triển khai, với tổng vốn lên tới khoảng 5,9 triệu tỷ đồng. Bà đề nghị tiếp tục củng cố vai trò của các tổ công tác liên ngành và kiến nghị Quốc hội ban hành nghị quyết giám sát chuyên đề, trong đó quy định rõ đầu mối, thời hạn và trách nhiệm thực thi của từng cấp chính quyền. Giải pháp này nhằm tháo gỡ đồng bộ các vướng mắc xuyên suốt chuỗi quy hoạch, đất đai, đầu tư và thủ tục pháp lý.

Liên quan đến hoạt động sản xuất - kinh doanh, đại biểu Yến bày tỏ lo ngại trước thực trạng nhiều doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Trong năm 2024, có hơn 222.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động; riêng quý I/2025 ghi nhận thêm gần 78.800 doanh nghiệp rút lui, phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn trong tiếp cận tín dụng và thị trường tiêu thụ.

Bà cho rằng, bên cạnh các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mới, cần có giải pháp giữ chân doanh nghiệp đang hoạt động. Một số giải pháp cụ thể gồm: mở rộng các gói tín dụng ưu đãi có mục tiêu; linh hoạt trong việc giãn, hoãn nghĩa vụ thuế và bảo hiểm; xây dựng cơ chế cảnh báo sớm nguy cơ rút lui dựa trên dữ liệu thuế, lao động, bảo hiểm xã hội; đồng thời triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi mô hình và số hóa quy trình sản xuất, kinh doanh.

Về chuyển đổi số, đại biểu Yến nhấn mạnh yêu cầu nâng cao hiệu quả thực thi Đề án 06 và quản lý chất lượng dữ liệu công. Theo bà, vấn đề không nằm ở kỹ thuật, mà là mô hình vận hành: Chưa có đơn vị chịu trách nhiệm xuyên suốt về giám sát dữ liệu, chưa hình thành được thị trường dữ liệu minh bạch.

Đại biểu kiến nghị Chính phủ tổ chức rà soát toàn diện chất lượng dữ liệu công trong năm 2026; giao Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Kiểm toán Nhà nước thực hiện đánh giá định kỳ; đồng thời ban hành Nghị định về thị trường dữ liệu, quy định quyền sở hữu, định giá và khai thác dữ liệu như một loại tài sản quốc gia.

Ngoài ra, đại biểu lưu ý rằng nền kinh tế Việt Nam hiện vẫn phụ thuộc lớn vào vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và thị trường xuất khẩu. Trước các biến động từ bên ngoài, cần có chiến lược dài hạn về tăng cường năng lực chống chịu của nền kinh tế.

Bà đề xuất Chính phủ xây dựng “Chiến lược quốc gia về năng lực chống chịu vĩ mô”, gắn với phát triển các cụm công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực bán dẫn, năng lượng xanh và trí tuệ nhân tạo. Đồng thời, cần ban hành “Chỉ số chống chịu kinh tế” làm căn cứ đánh giá chiến lược phát triển của các địa phương.

Bảo đảm tính kế thừa và ổn định trong chính sách đặc thù cho các địa phương

Bà Nguyễn Thị Yến bày tỏ thống nhất với đề xuất của Chính phủ về việc tiếp tục áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù cho 5 tỉnh, thành phố gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Cần Thơ và Hải Phòng sau khi sắp xếp lại địa giới hành chính; đồng thời, ủng hộ việc cho phép Thành phố Buôn Ma Thuột tiếp tục kế thừa các chính sách đặc thù đang áp dụng.

Bà nhấn mạnh, việc bảo đảm tính liên tục trong tổ chức thực thi chính sách là cần thiết để duy trì hiệu quả điều hành, đồng thời là cơ sở thực tiễn để tổng kết, luật hóa và mở rộng áp dụng trên phạm vi cả nước trong thời gian tới.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đại tá, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại: “Tăng cường kỷ luật, nâng cao hiệu quả tổ chức thực thi và bảo đảm tính nghiêm minh trong điều hành công vụ”.
Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng cho rằng cần tăng cường kỷ luật, nâng cao hiệu quả tổ chức thực thi và bảo đảm tính nghiêm minh trong điều hành công vụ.

Tăng cường kiểm soát chất lượng hàng hóa thiết yếu, bảo vệ sức khỏe nhân dân và duy trì ổn định thị trường

Phát biểu thảo luận, đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh tập trung phân tích tình trạng biến động giá cả một số mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là các mặt hàng liên quan trực tiếp đến đời sống người dân như thuốc chữa bệnh, thực phẩm, nông sản, hóa chất, vật tư y tế, xăng dầu… Đại biểu cho rằng, cần tăng cường hơn nữa việc kiểm soát chất lượng, ngăn chặn kịp thời các loại hàng hóa trôi nổi, không rõ nguồn gốc hoặc có nguy cơ gây tác động xấu tới sức khỏe cộng đồng.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh: “Tăng cường kiểm soát chất lượng hàng hóa thiết yếu, bảo vệ sức khỏe Nhân dân và duy trì ổn định thị trường”.
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh: “Tăng cường kiểm soát chất lượng hàng hóa thiết yếu, bảo vệ sức khỏe Nhân dân và duy trì ổn định thị trường”.

Bà Phúc cũng nêu lên thực trạng báo chí phản ánh gần đây về các loại sản phẩm có chứa chất gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, đặc biệt là nhóm hàng hóa liên quan đến trẻ em, phụ nữ mang thai.

Từ đó, đại biểu kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành chức năng cần có sự phối hợp chặt chẽ trong quản lý chất lượng hàng nhập khẩu, tăng cường kiểm tra thị trường, kiểm soát lưu thông và có chế tài rõ ràng đối với các vi phạm.

CHÂU VŨ -  PHÚC LƯU
(Từ Hà Nội)

 

;
.