KỲ HỌP THỨ 8, QUỐC HỘI KHÓA XV

Không lấy đất trồng lúa làm nhà ở thương mại

Thứ Năm, 21/11/2024, 18:51 [GMT+7]
In bài này
.

Sáng 21/11, tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất. Buổi chiều, Quốc hội về Đề án thành lập TP.Huế trực thuộc Trung ương.

Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tại phiên họp. Ảnh: CHÂU VŨ
Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tại phiên họp. Ảnh: CHÂU VŨ

Bổ sung thêm các tiêu chí đánh giá tác động môi trường và xã hội

Phát biểu thảo luận về dự thảo nghị quyết, đại biểu Trịnh Xuân An, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai đồng tình với việc thực hiện thí điểm trên phạm vi toàn quốc nhưng không phải mang tính đại trà, chung chung, cần rõ việc áp dụng đối với các dự án nào, tiêu chí nào. Những quy định trong dự thảo Nghị quyết sẽ phù hợp khi áp dụng tại khu vực đô thị, ngăn việc lấy đất lúa, đất nông nghiệp một cách đại trà, tràn lan để thực hiện Nghị quyết.

Trong góp ý gửi đến phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tâm Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng, dự thảo Nghị quyết đã đề xuất tiêu chí rõ ràng về việc chọn lựa các dự án thí điểm, bao gồm yêu cầu dự án phải được thực hiện tại khu vực đô thị, khu vực được quy hoạch phát triển đô thị và diện tích đất ở tăng thêm không vượt quá 30% so với diện tích hiện trạng. Đại biểu Hùng đồng thuận cao đối với các quy định này, vì bảo đảm sự đồng bộ với quy hoạch chung của từng địa phương, ngăn ngừa tình trạng phát triển dự án không theo kế hoạch, gây áp lực lên hạ tầng và ảnh hưởng đến quy hoạch đô thị.

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị bổ sung thêm các tiêu chí đánh giá tác động môi trường và xã hội để bảo đảm các dự án thí điểm sẽ không gây ra hệ lụy tiêu cực đối với môi trường tự nhiên và đời sống của người dân địa phương. Ngoài ra, cần có các biện pháp đánh giá và xử lý nghiêm những dự án có biểu hiện đầu cơ đất đai, nhằm bảo đảm việc phát triển thị trường bất động sản lành mạnh, đúng theo mục tiêu của Nghị quyết.

Đồng tình với chủ trương thành lập TP.Huế trực thuộc Trung ương

Gửi bài phát biểu thảo luận tại phiên họp, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Huỳnh Thị Phúc đồng tình với Tờ trình của Chính phủ về việc thành lập TP.Huế trực thuộc Trung ương. Theo đại biểu đây là một chủ trương đúng đắn, thể hiện tầm nhìn chiến lược, đáp ứng nguyện vọng của người dân và phù hợp với định hướng phát triển bền vững của đất nước.

Đại biểu Phúc đề nghị Đề án cần làm rõ hơn những thách thức thực tiễn như hạ tầng đô thị chưa đồng bộ, áp lực gia tăng dân số và vấn đề bảo tồn di sản trong phát triển đô thị. Việc phân tích sâu hơn những thách thức này sẽ giúp làm nổi bật tính cấp thiết của Đề án và xây dựng các giải pháp phù hợp.

Về tên gọi và bản sắc văn hóa, đại biểu Phúc ủng hộ việc giữ nguyên tên gọi “Thành phố Huế” để tôn vinh giá trị lịch sử và văn hóa lâu đời. Các công trình xây dựng mới cũng cần tuân thủ tiêu chí hài hòa với kiến trúc cổ, nhằm bảo tồn vẻ đẹp truyền thống của cố đô.

Đối với nội dung tổ chức chính quyền đô thị, đại biểu Phúc đề nghị cần bổ sung các phương án cụ thể về cơ cấu tổ chức chính quyền khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Đặc biệt, cần có cơ chế rõ ràng để quản lý các khu vực di sản, phối hợp hiệu quả giữa các cấp chính quyền và điều chỉnh hợp lý mô hình hành chính phù hợp với đặc thù của một đô thị di sản.

Thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược
Chiều 21/11, với 426/430 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 88,94% tổng số đại biểu, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

Về bảo tồn di sản và phát triển bền vững, đại biểu Phúc cho rằng Đề án cần nhấn mạnh các giải pháp bảo tồn cụ thể như bảo vệ các công trình kiến trúc cổ, cảnh quan thiên nhiên và các giá trị văn hóa đặc sắc của Quần thể di tích Cố đô Huế. Phát triển đô thị phải đảm bảo tính hài hòa, không làm tổn hại đến di sản, giữ vững bản sắc đặc trưng của Huế.

Quan tâm đến định hướng phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Phúc đề nghị cần xác định rõ các ngành kinh tế mũi nhọn, như du lịch văn hóa, y tế chuyên sâu, giáo dục và khoa học công nghệ, để phát huy lợi thế của Huế. Đồng thời, cần xây dựng lộ trình cụ thể nhằm cải thiện thu nhập và chất lượng sống của người dân, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững.

Về hỗ trợ người dân và DN, theo đại biểu quá trình chuyển đổi mô hình hành chính sẽ tác động đến người dân và DN. Vì vậy, cần có các chính sách hỗ trợ thiết thực, từ chuyển đổi giấy tờ, thủ tục hành chính đến bảo đảm quyền lợi về đất đai, nhằm giảm thiểu xáo trộn và bất cập.

CHÂU VŨ - PHÚC LƯU

;
.