Sau 60 năm, từ ấp chiến lược với hàng rào tre, kẽm gai kín mít, cơ sở hạ tầng bị chiến tranh tàn nặng nề, Bình Giã đã chuyển mình, phát triển mạnh mẽ, trở thành vùng đất trù phú, xanh tươi với kinh tế xã hội phát triển vượt bậc.
Các mô hình sản xuất nông sản hữu cơ, không độc hại được phát triển. Trong ảnh: Nông dân xã Bình Giã chế biến ca cao |
Làng quê “thay da đổi thịt”
Xã Bình Giã và Bình Trung (ấp chiến lược Bình Giã xưa) những ngày cận kề dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Bình Giã rộn ràng, vui tươi với những con đường rợp màu cờ hoa. Đường Mỹ Xuân - Ngãi Giao - Hòa Bình đoạn qua địa bàn 2 xã được cải tạo mở rộng cơ bản hoàn thành, công nhân tất bật trồng cây xanh, lắp hệ thống biển báo, đèn chiếu sáng. Đường lớn đã mở, hai bên hàng quán, cơ sở dịch vụ mọc lên san sát, không khí buôn bán sầm uất, nhộn nhịp. Trong làng, những dãy nhà khang trang mọc san sát, đường giao thông được nâng cấp, thảm nhựa 100%, kết nối các khu dân cư và vùng sản xuất. Tiếp nối khu dân cư là cánh đồng lúa rộng lớn liền kề với rẫy tiêu, hoa, rau xanh tươi, trù phú.
Chứng kiến quê hương từ lúc xảy ra trận chiến Bình Giã đến nay, ông Trần Ngọc Quế (SN 1954, ngụ ấp Vĩnh An, xã Bình Giã) kể, thời điểm chiến dịch Bình Giã diễn ra ông mới 10 tuổi. Bên trong ấp chiến lược do địch quản lý, bị kìm kẹp, khủng bố gắt gao, đời sống kinh tế khó khăn. Sau chiến tranh, Nhân dân địa phương bắt tay vào khôi phục kinh tế, xây dựng đời sống.
60 năm trôi qua, từ một vùng dân cư thưa thớt, bao quanh toàn hàng rào tre gai, hầm hào bị bom đạn cày phá tan hoang nay đã phát triển trù phú, bình yên. Đường giao thông thảm nhựa phủ khắp đường làng ngõ xóm ra tới tận ruộng, rẫy.
“Tôi có mơ cũng không tưởng tưởng được đời sống, kinh tế, xã hội ở Bình Giã thay đổi lớn mạnh như bây giờ. Nhất là thời điểm từ 30 năm đổi mới và phong trào xây dựng nông thôn mới đã thúc đẩy mọi mặt đời sống và kinh tế địa phương phát triển vượt bậc”, ông Quế nói.
Vui mừng vì quê hương đổi sắc từng ngày, anh Nguyễn Thành Tín (ngụ xã Bình Trung), cho biết, người dân địa phương không chỉ đầu tư vào sản xuất nông nghiệp mà còn phát triển nhiều ngành nghề thương mại, dịch vụ, mang lại thu nhập khá.
Đường Mỹ Xuân - Ngãi Giao - Hòa Bình đoạn qua xã Bình Giã và Bình Trung được nâng cấp, mở rộng giúp phát triển kinh tế địa phương. |
“Đường làng, ngõ xóm, điện chiếu sáng được đầu tư bài bản, trồng cây hoa tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp không kém gì thành phố. Bên cạnh đó, an ninh trật tự vùng nông thôn được bảo đảm, là vùng quê bình yên, đáng sống”, anh Tín tự hào nói.
Đời sống vật chất, tinh thần được nâng cao
Năm 1999, xã Bình Giã được tách thành xã Bình Giã và xã Bình Trung theo Nghị định 57/1999NĐ-CP ngày 23/7/1999, của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập xã thuộc các huyện Long Đất và Châu Đức. Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của chính quyền, quân và dân xã Bình Giã, Bình Trung đoàn kết kiên cường, tương thân tương ái cùng nhau tái thiết cuộc sống, vươn lên mạnh mẽ trong công cuộc phục hồi quê hương.
Người dân 2 xã chủ yếu sinh sống bằng nghề nông (chiếm khoảng 80% dân số). Phát huy thế mạnh về nông nghiệp, người dân chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất quy mô lớn, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi. Các mô hình sản xuất nông sản hữu cơ, không sử dụng hóa chất độc hại, ngày càng được nhân rộng. Chợ và các cửa hàng bán lẻ phát triển mạnh tạo cơ hội cho người dân tiêu thụ sản phẩm nông sản, đặc sản địa phương.
Cơ sở hạ tầng được cải thiện và phát triển đồng bộ, từ giao thông, điện, nước sinh hoạt cho đến giáo dục, y tế, sản xuất và các dịch vụ cộng đồng. Tạo thuận lợi cho việc phát triển thương nghiệp dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp góp phần phát triển đời sống, nâng cao mức hưởng thụ văn hoá của Nhân dân.
Ông Hồ Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Giã cho biết, những năm qua, Nhân dân nỗ lực không nhưng để phát triển kinh tế đạt được nhiều thành quả, đặc biệt giai đoạn chung tay xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao góp phần nâng cao thu nhập và phát triển kinh tế địa phương. Địa phương vận động người dân tham gia phát triển kinh tế tập thể, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số trong nông nghiệp, chuyển đổi có cấu cây trồng vật nuôi, cải tạo đất, thâm canh tăng vụ để tăng thu nhập.
“Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã năm 2023, đạt hơn 84 triệu đồng”, ông Hồ Văn Đức thông tin.
Cánh đồng lúa thôn 5, xã Bình Trung vào vụ gặt. |
Không kém cạnh, xã Bình Trung cũng có bước phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội. Năm 2024, thu nhập bình quân của người dân ước đạt 85 triệu đồng/người. Văn hóa, y tế, giáo dục được đầu tư và phát triển. Bên cạnh chú trọng phát triển kinh tế, địa phương chăm lo đời sống tinh thần qua việc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao để nâng cao và phục vụ nhu cầu hưởng thụ của Nhân dân.
Ông Phạm Xuân Núi, Chủ tịch UBND xã Bình Trung đánh giá: “Các tầng lớp Nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chấp hành tốt các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do huyện, xã phát động. Trên nhiều lĩnh vực sản xuất và đời sống, các tầng lớp nhân đã nỗ lực khắc phục khó khăn để duy trì sản xuất ổn định đời sống”.
Cùng với sự hỗ trợ của các cấp các ngành, chính quyền 2 xã Bình Trung, Bình Giã luôn quan tâm đến các gia đình chính sách, gia đình thương binh liệt sĩ, người có công với cách mạng cả về vật chất lẫn tinh thần. Bên cạnh đó, công tác giảm nghèo cũng được chú trọng, nhiều chương hỗ trợ người nghèo để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống được thực hiện. Tình hình an ninh, chính trị ổn định, trật tự ATXH trên địa bàn được giữ vững. Đến nay, 2 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và không còn hộ nghèo.
Ông Nguyễn Tấn Bản, Chủ tịch UBND huyện Châu Đức nhìn nhận, 60 năm sau chiến thắng Bình Giã, chính quyền và Nhân dân 2 xã Bình Giã và Bình Trung, cùng với nhân dân huyện Châu Đức chung tay phát triển kinh tế và đời sống đạt được nhiều kết quả khả quan, minh chứng cho sức mạnh tinh thần và lòng quyết tâm vượt qua thử thách của người dân nơi đây.
Bài, ảnh: MẠNH QUÂN